Căn biệt thự được xây dựng thời Pháp thuộc đã phủ màu rêu, mang vẻ tĩnh lặng hiếm thấy giữa trung tâm Thủ đô.
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ và chồng – nhà tư sản Trịnh Văn Bô là những thương nhân theo chủ nghĩa dân tộc, nổi tiếng giữa thế kỷ 20. Trong Tuần lễ Vàng năm 1945, gia đình cụ đã ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng. Số vàng này gấp đôi ngân khố Chính phủ thời bấy giờ.
Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ.
Gia đình cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ sở hữu ngôi nhà tại 48 Hàng Ngang. Đến Cách mạng Tháng Tám 1945, vợ chồng cụ dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng làm việc. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn độc lập. Sau đó gia đình cụ cũng hiến căn nhà này cho Nhà nước để làm di tích cách mạng.
Sinh thời, cụ Minh Hồ luôn sống giản dị, gần gũi, tiết kiệm, không khoe khoang. Vì đức tính đó nên câu chuyện ông bà quyết định mua căn biệt thự cổ ở số 34 Hoàng Diệu rất ít người biết.
Theo đó, căn biệt thự cổ và cả khuôn viên của gia đình cụ Minh Hồ có tổng diện tích gần 3.000m2, được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Thời điểm đó, cụ Minh Hồ cùng chồng mua căn nhà này với giá gần 300.000 đồng (tiền Đông Dương) của đôi vợ chồng người Pháp.
Căn biệt thự cổ có kiến trúc khá độc đáo. Với thiết kế 3 tầng nhưng tầng 1 lại có chiều cao rất khiêm tốn. Tầng này thấp vì thường để cho gia nhân ở hoặc chỉ là tầng để chống ẩm thấp. Tầng 2 là tâm điểm của căn nhà, chiếm diện tích lớn nhất, thường được dùng để tiếp đãi khách và là nơi sinh hoạt chính của cả gia đình. Ban công nhìn ra đường Hoàng Diệu và Hoàng Thành Thăng Long. Tầng 3 thường cho các con cháu trong gia đình ngủ nghỉ…
Sàn nhà các tầng đều làm bằng gỗ, tay vịn cầu thang và nhiều đồ đạc trong gia đình cũng được làm từ gỗ tốt, càng cùng càng bóng loáng, đẹp mắt. Nằm giữa trung tâm Thủ đô nhưng chỉ cần bước chân vào khuôn viên căn biệt thự là được tận hưởng một không gian tĩnh lặng và trong lành. Phía sau căn biệt thự cổ là vườn cây xanh ngát, rất nhiều cây cổ thụ lâu năm.
Theo ông Trịnh Cần Chính, trước đây gia đình ông ở căn nhà số 48 Hàng Ngang, không gian cũng rất rộng rãi, thoải mái. Việc bố mẹ ông chọn mua căn biệt thự 34 Hoàng Diệu là có căn nguyên cụ thể.
“Khi xưa gia đình tôi làm nghề buôn bán, kinh tế cũng thuộc vào loại nhất nhì ở đất Hà Nội này, bố mẹ tôi sau mỗi ngày làm việc căng thẳng về thường muốn tìm nơi nào yên ắng để nghỉ ngơi. Tuy căn nhà số 48 Hàng Ngang cũng rất rộng rãi nhưng nơi đây đông dân cư và khá ồn ào. Khi biết tin có một cặp vợ chồng người Pháp muốn bán căn nhà ở số 34 Hoàng Diệu, bố mẹ tôi đến xem thì thấy rất hài lòng, vì kiến trúc cũng như không gian tĩnh lặng nơi đây rất phù hợp với mong muốn của ông bà, nên đã quyết định mua lại. Thời đó không đủ tiền để mua lại ngôi nhà này nên bố mẹ tôi đã vay cả tiền của Ngân hàng Đông Dương thời bấy giờ để mua cho kỳ được”, ông Chính cho biết.
Năm 2017, cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã qua đời tại nhà riêng ở số 34 Hoàng Diệu. Ông Trịnh Lương, con trai cả của các cụ cho biết, sau khi mẹ ông qua đời, 4 người em đã cử ông làm đại diện đặt vấn đề để lại nhà 34 Hoàng Diệu cho TP.Hà Nội.
Theo ông Lương, căn nhà 34 Hoàng Diệu nằm ở vị trí chỉ phù hợp với công trình kiến trúc nhà nước, còn tư nhân không nên ở. Vì vậy, 5 thành viên trong gia đình muốn nhượng lại căn biệt thự này cho TP.Hà Nội với giá hợp lý.
“Tôi mong muốn bán nhà 34 Hoàng Diệu, một phần tiền để làm quỹ từ thiện Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ. Phần còn lại, chúng tôi sẽ chia cho con cháu”, ông Lương nói.